Người TPHCM khốn khổ vì số nhà... siêu "xuyệc"

15:22 03/05/2017

Người TPHCM khốn khổ vì số nhà... siêu "xuyệc"

Dân trí Người dân TPHCM rất ngại mỗi khi có người nhờ chỉ giùm địa chỉ nhà này, nhà kia… bởi số nhà nhảy múa không theo trật tự, số nhà siêu xuyệc, dài hơn cả số điện thoại. Mua hàng online, mua gas, nước... người giao hàng toát cả mồ hôi vẫn chưa tìm ra.
 >> Khổ sở vì “ma trận” tên phố, số nhà ở Hà Nội
 >> TPHCM yêu cầu xử lý gấp vụ số nhà “khủng”
 >> Chuyện bi hài ở nơi có số nhà “siêu khủng”

Số nhà lên đến... hàng triệu!

Những số nhà dài... siêu dài, quá nhiều “xuyệc” từ lâu đã gây ra không ít phiền toái và bức xúc cho người dân. Nhiều tình huống dở khóc dở cười cũng đã xảy ra khi đến chính chủ nhà cũng không nhớ hết nổi số nhà của mình, còn người nghe thì trố mắt ngạc nhiên.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, việc tìm được số nhà tại nhiều con hẻm nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) từ lâu đã trở thành nỗii ám ảnh cho nhiều người, bởi đặc trưng số nhà siêu "xuyệc" ở nơi này.


Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nhìn thấy số nhà siêu xuyệc dài hơn cả số điện thoại

Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nhìn thấy số nhà siêu xuyệc dài hơn cả số điện thoại

Hầu hết các ngôi nhà trong hẻm đều có ít nhất từ ba xuyệt, nhà nào sâu hơn thì đến sáu, bảy xuyệt. Đối với nhiều gia đình sống trên khu vực này, việc số nhà dài hơn cả số điện thoại là chuyện quá đỗi bình thường.

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi cố tìm đến ngôi nhà có sô siêu "xuyệc" 1806/127/2/6/15/48/2A. Con đường chỉ dài chừng 100m với chiều rộng 3m này được xem là hẻm có số “xuyệc” dài nhất khu hẻm 1806 trên đường Huỳnh Tấn Phát. Để có thể nhớ được số nhà, trước khi đi chúng tôi đã phải ghi vào sổ tay cẩn thận và hỏi dò đường từ đầu hẻm.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi chạy vào hẻm 1806 nhưng đi đến cuối đường vẫn không tìm thấy hẻm 127. Sau một hồi hỏi thăm và lòng vòng hơn 15 phút, mới thấy hẻm số 125 và chạy dọc hẻm này qua nhiều ngả rẽ. Phải mất đến 5 phút nữa chúng tôi mới thật sự tìm ra được căn nhà “siêu số” 1806/127/2/6/15/48/2A.

Anh Phạm Chí Vân, một người dân sống tại khu vực này cho biết, do số nhà quá dài nên ai đến đều như lạc vào "ma trận". "Nhiều khi đặt mua hàng online hay đổi gas, mua nước... tôi cũng ngại ngần vì nhận viên giao hàng phải mất đến cả tiếng đồng hồ mới có thể tìm được địa chỉ. Không những thế, với số nhà dài như vậy, việc cứu người khi gặp tai nạn, sự cố xảy ra cũng gặp rất nhiều bất tiện”, anh Vân bức xúc.

Số nhà quá dài khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm địa chỉ cũng như hoạt động kinh doanh
Số nhà quá dài khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm địa chỉ cũng như hoạt động kinh doanh

Được biết số nhà dài dằng dặc nêu trên không phải là cá biệt của riêng Nhà Bè mà một số khu vực khác của quận Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh… cũng loạn số nhà kiểu “số điện thoại” này. Khó hiểu hơn, nhiều ngôi nhà nằm ngay mặt tiền nhưng cũng phải mang trên mình số hẻm, hoặc số nhảy “loạn xạ” khiến người tìm đường nhiều lần “bó tay” với những con số “kì dị”.

"Cùng một dãy phố nhưng số nhà nhảy số lung tung, chẵn lẻ bất phân, số nhà mới, số nhà cũ lẫn lộn, đảo ngược. Thậm chí một căn nhà có đến 2, 3 số như thế này không khác gì một ma trận cho những ai cần tìm", anh Bình, người dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh chia sẻ.

Căn nhà “siêu số” dài nhất hẻm 1806 Huỳnh Tấn Phát khiến nhiều người cảm thấy ngại mỗi khi có ai hỏi đường
Căn nhà “siêu số” dài nhất hẻm 1806 Huỳnh Tấn Phát khiến nhiều người cảm thấy ngại mỗi khi có ai hỏi đường

"Hóng"... số nhà mới

Số nhà là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mỗi hộ dân và nhất là những hộ kinh doanh. Trước đây UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát để xử lý, khắc phục tình trạng số nhà “siêu khủng”. Thể nhưng, đến nay việc triển khai lập lại trật tự số nhà vẫn còn rất chậm. Người dân đang mong mỏi sớm cho triển khai đề án để không còn tình trạng loạn số nhà và mọi người không phải vất vả chỉ vì một cái địa chỉ “kì dị”.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở 1806/109/10/21/7 Huỳnh Tấn Phát cho biết, khi được cấp số nhà bà có thắc mắc thì được giải thích đây là số tạm nhưng kéo dài đến nay đã vài năm rồi. "Bức xúc lắm vì nhà gì không ai biết đường tìm đến, hỏi đường cũng không xong, toàn phải ra đầu hẻm đón...", bà Hoa nói.

Tại hội nghị công tác đánh số và gắn biển số nhà vừa diễn ra tuần qua, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho hay, Sở sẽ nghiên cứu áp dụng đánh số theo mô hình mã số nhà thông minh. Theo đó, thay vì đánh số nhà theo thứ tự truyền thống, phương pháp mới sẽ dùng khoảng cách từ đầu mỗi con đường đến mép mỗi nhà để đánh số, chẵn ở bên phải, lẻ ở bên trái.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tin học – Bản đồ Việt Nam (Vietbando) cho biết, đơn vị đang xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý nhà cho TPHCM. Khi sử dụng ứng dụng này, người dân chỉ cần nhập địa chỉ nhà sẽ xem được thông tin chính xác về căn nhà, quá trình lịch sử hình thành.

Cùng trên một con đường nhưng số nhà lộn xộn không có trật tự, đôi lúc nhà mặt tiền cũng phải mang trên mình số hẻm
Cùng trên một con đường nhưng số nhà lộn xộn không có trật tự, đôi lúc nhà mặt tiền cũng phải mang trên mình số hẻm

"Lâu nay chúng ta đánh số nhà theo kiểu bên tay phải là số chẵn, bên tay trái là số lẻ. Nhưng nên thay đổi bằng cách lấy tọa độ gốc tuyến đường và đo theo độ dài được tính bằng mét và số nhà được đánh theo số mét so với vị trí tọa độ gốc. Như vậy không xảy ra tình trạng số nhà nhảy cóc hoặc chừa số nhà", ông Nam đề xuất.

Đánh giá về ý tưởng mới này, ông Phạm Quốc Hùng, Phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè, cho rằng đây là một đề xuất hay, tiện lợi và dễ quản lý. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, việc giảm xuyệc là rất khó, vì đặt tên đường, tên hẻm phải phụ thuộc vào việc đảm bảo giao thông, hạ tầng kết nối và độ rộng, độ sâu của con hẻm.

"Việc điều chỉnh, giảm xuyệc các số nhà rất khó vì muốn thay đổi thì phải mở rộng đường nhưng muốn làm phải thực hiện theo quy hoạch phù hợp và còn liên quan đến giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng lớn đến người dân. Vì vậy, điều chỉnh số nhà cho logic, hợp lý hơn… là phải làm nhưng cần có quá trình, theo kế hoạch", ông Hùng giải thích.

Quế Sơn

Nguồn: dantri.com.vn