Điều kiện xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng

09:51 12/07/2019

Điều kiện xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Căn cứ xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, cụ thể là: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.”

Tiêu chí thực tiễn sử dụng là tiêu chí quan trọng nhất để một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Điều đó xuất phát từ tính chất nổi tiếng của một nhãn hiệu, khi qua quá trình sử dụng liên tục mà nhãn hiệu đó mới được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Nếu pháp luật có các quy định về việc đăng ký như một điều kiện để xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì sẽ là một điều không hợp lý. Bởi vì việc đó sẽ trái với nguyên tắc sử dụng liên tục (Khoản 4 Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Từ những quy định của luật thì trên thực tế, để xác nhận một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng thì cần có sự xem xét và công nhận của một trong ai cơ quan là: Tòa án và Cục sở hữu trí tuệ. Tòa án và Cục sở hữu trí tuệ sẽ chỉ xem xét và công nhận một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo từng việc cụ thể. Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục sở hữu trí tuệ.

Yêu cầu xem xét nhãn hiệu nổi tiếng có thể diễn ra trong các trường hợp sau:

+ Khi tổ chức, cá nhân tiến hành nộp đơn đăng ký, nhưng bị từ chối vì nhãn hiệu rơi vào các yếu tố loại trừ hoặc bị từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác, tổ chức, cá nhân sẽ xác lập quyền cho nhãn hiệu này thông qua việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng.

+ Khi các tổ chức, cá nhân yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực một văn bằng bảo hộ hoặc phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dựa trên cơ sở nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng.

+ Khi có các tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.

+ Khi có các tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.